5/5 - (1 bình chọn)

Khủng hoảng do… cưỡng chế sai?

Trong bức tâm thư, ông Nguyễn Thái Luyện, CEO Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba (Địa ốc Alibaba) nói rằng ông đại diện cho hơn 2.600 nhân viên và hơn 7.000 khách hàng của Địa ốc Alibaba cảm ơn Phó thủ tướng Trương Hòa Bình bởi nhờ công văn số 7188 nên Địa ốc Alibaba có thêm cơ hội chứng minh, làm rõ những vấn đề báo chí phản ánh liên quan đến công ty.

Theo ông Luyện, Địa ốc Alibaba được thành lập vào ngày 5/5/2016, hoạt động kinh doanh chính là môi giới bất động sản. Năm 2017, trong lúc đang tiến hành thực hiện nghiên cứu dự án khu đô thị Tây Bắc Củ Chi, đại diện Hiệp hội Bất động sản TPHCM đã phát đi công văn cảnh báo đến các tòa soạn về việc Địa ốc Alibaba tự xưng chủ đầu tư.

Sau khi hàng loạt tòa soạn đưa tin, Bộ Công an đã vào cuộc, sau 6 tháng điều tra, thông qua biên bản làm việc, hồ sơ và danh sách khách hàng cung cấp, Công ty Alibaba chứng minh hoạt động kinh doanh tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Để vượt qua khủng hoảng, công ty chia sẻ tất cả các thông tin báo chí đăng đến từng cán bộ công nhân viên và khách hàng. Điều này không chỉ giúp công ty được cán bộ công nhân viên, khách hàng tin tưởng, giúp công ty phát triển mạnh mẽ hơn, mà còn châm ngòi khiến anh chị phóng viên viết xấu công ty nhiều hơn.

Gần đây, trong lúc bảo vệ tài sản khách hàng trước đoàn cưỡng chế sai quy định pháp luật đã thu hút dư luận, báo chí, khiến công ty một lần nữa rơi vào khủng hoảng truyền thông với rất nhiều bài viết chưa đúng sự thật, với tiêu đề giật tít “có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”, “có dấu hiệu vi phạm hình sự” thu hút bạn đọc.

Ông Luyện viết, công ty chúng tôi cảm ơn điều tra viên thuộc Bộ Công an đã quan tâm hỗ trợ chúng tôi công khai và minh bạch trong suốt 3 năm qua. Đặc biệt là sự việc gần đây, công văn “cung cấp thông tin tài liệu” số 3043 của Bộ Công an và công văn từ Văn phòng Chính phủ “làm rõ những phản ánh của báo chí liên quan đến Địa ốc Alibaba”, cho chúng tôi có cơ hội công khai minh bạch và cung cấp cho Bộ Công an tài liệu.

Trong bức tâm thư, ông Nguyễn Thái Luyện cũng trình bày về tầm nhìn và sứ mệnh cốt lõi của Địa ốc Alibaba là tạo ra hàng ngàn công ăn việc làm cho các bạn trẻ, giúp giãn dân ra khu vực vùng ven, giúp nhiều người dân có thu nhập thấp có khả năng mua được đất giá rẻ với phương thức trả góp mỗi tháng 1 triệu đồng cùng nhau giữ đất.

Ngoài ra, đô thị hóa nông thôn, phát triển cơ sở hạ tầng, thu hút dân về ở, kinh doanh, làm giàu cho quê hương đất nước. Đặc biệt, hiện thực hóa quy hoạch nông thôn mới vốn đã bị bỏ không, do thiếu nhà đầu tư, đóng góp hàng ngàn tỉ đồng vào ngân sách nhà nước (tạm tính đến tháng 8.2019 đóng góp hơn 3.600 tỉ đồng), thông qua đóng tiền chuyển mục đích sử dụng đất (cam kết toàn bộ đất thuộc quy hoạch đất ở).

“Với những biên bản làm việc với cán bộ điều tra viên và toàn bộ hồ sơ đính kèm được cung cấp gần 2 tháng làm việc. Kính mong quý ngài minh xét cho chúng tôi, những người trẻ có cơ hội làm việc, làm giàu cho quê hương đất nước. Chúng tôi cam đoan Công ty Alibaba 100% là Công ty Việt Nam”, ông Luyện trình bày trong bức tâm thư.

Vừa bất chấp làm sai vừa… la làng

Mặc dù trong tâm thư ông Luyện “kêu oan” như vậy nhưng trên thực tế thì tại dự án khu đô thị Tây Bắc Củ Chi (huyện Củ Chi, TPHCM), dù dự án này thuộc Ban quản lý khu đô thị Tây Bắc (UBND TPHCM) nhưng Công ty Alibaba tự nhận là dự án của mình và đem huy động vốn của hàng trăm khách hàng.

Tại thời điểm đó, khi Bộ Công an vào điều tra mới phát hiện Công ty Alibaba đã có đến 493 khách hàng đặt chỗ với số tiền mỗi khách hàng 50 triệu đồng. Khi bị phanh phui lừa đảo, Công ty Alibaba đã phải trả lại tiền cho khách hàng.

ceo alibaba nguyen thai luyen noi gi trong tam thu gui thu tuong? hinh anh 2

Còn tại tỉnh Đồng Nai, theo báo cáo của Công an tỉnh này tại văn bản số 2312/CAT-PC03, tính từ năm 2016 đến tháng 7/2019, Địa ốc Alibaba đã quảng cáo trên website của công ty này là thành lập 29 dự án khu dân cư trên địa bàn các huyện Long Thành, Xuân Lộc và Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

Trong khi đó, qua công tác nắm tình hình, kiểm tra, cơ quan chức năng đã xác định toàn bộ diện tích đất tại các dự án mà Địa ốc Alibaba tự vẽ ra chỉ có phần rất nhỏ là đất ở nông thôn, còn lại đều có mục đích sử dụng là đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất và hiện trạng đất là đất trống, không có cơ sở hạ tầng.

Theo Công an tỉnh Đồng Nai, việc Địa ốc Alibaba tự nhận là chủ đầu tư, tự vẽ sơ đồ khu dân cư, phân lô bán nền không đúng hiện trạng thực tế (đất trống), cam kết ra sổ đỏ thổ cư 100% để bán cho khách hàng là sai quy định, có dấu hiệu lừa đảo khách hàng, vi phạm quy định về sử dụng đất đai.

Ngoài ra, tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Công ty Alibaba cũng rao bán hàng chục dự án. Tuy nhiên, theo Bộ Công an, các cơ quan chức năng của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chưa hề cấp phép cho Công ty Alibaba bất kỳ dự án nào. Không những vậy, những khu đất mà Công ty Alibaba tự vẽ dự án, tự phân lô phần lớn đất được quy hoạch là đất nông nghiệp, thậm chí là quy hoạch đất nghĩa trang, hạ tầng.

Mới đây, chính quyền thị xã Phú Mỹ đã cưỡng chế hai khu đất mà Công ty Alibaba tự ý làm hạ tầng, xây nhà trên đất nông nghiệp.

Chưa hết, mặc dù Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu Bộ Công an vào cuộc làm rõ các sai phạm của địa ốc Alibaba, nhưng công ty này vẫn tiếp tục chiêu dụ khách hàng đầu tư với cam kết trả lợi tức cao ngất, lên đến 45%/15 tháng.

Cụ thể, vừa qua, địa ốc Alibaba vẫn đang mở bán đất nền “ma” tại Khu đô thị sinh thái Ali Venice City ở tỉnh Bình Thuận. Khi khách hàng mua đất nền tại dự án này, Địa ốc Alibaba cam kết lợi nhuận đến 45%/15 tháng.

Theo Quế Sơn (Dân Trí)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0901.26.26.26