5/5 - (1 bình chọn)

Cách đây 5 năm, Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam huyện Tân Uyên đã tổ chức lễ công bố thành lập thị xã Tân Uyên theo Nghị quyết 136/NQ-CP ngày 29/12/2013 của Chính phủ, huyện Tân Uyên được chia tách để thành lập thị xã Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên, đi vào hoạt động từ ngày 01/4/2014. Tại thời điểm đó, thị xã Tân Uyên là đô thị loại IV, có 19.249,20 ha diện tích tự nhiên, 190.564 nhân khẩu, 12 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 6 phường: Uyên Hưng, Tân Phước Khánh, Thạnh Phước, Tân Hiệp, Khánh Bình và Thái Hòa và 6 xã: Bạch Đằng, Thạnh Hội, Vĩnh Tân, Tân Vĩnh Hiệp, Hội Nghĩa, Phú Chánh.

Thị xã Tân Uyên được thành lập là bước ngoặt của sự phát triển kinh tế, xã hội, đô thị, tạo động lực thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống cho nhân dân. Phát huy truyền thống cách mạng của vùng đất Chiến khu Đ, chiến khu Vĩnh Lợi anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Tân Uyên khôn ngừng đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm đưa địa phương tiến nhanh về mọi mặt theo đúng định hướng, làm nên sự đổi thay tích cực. Phấn đấu trở thành đô thị loại III, trực thuộc tỉnh Bình Dương trước Điểm neonăm 2020 nhưng chỉ đến cuối năm 2018, mục tiêu này đã được thực hiện thành công. Việc trở thành đô thị loại III sau chưa đầy 5 năm chia tách đã khẳng định vị thế, tầm vóc của thị xã, mở ra nhiều cơ hội phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế – xã hội.

Ngay từ khi trở thành thị xã, phát huy lợi thế từ các khu, cụm công nghiệp hiện hữu và điều kiện tự nhiên về vị trí địa lý, hệ thống cảng sông, kho bãi…, thị xã Tân Uyên đã thực hiện nhiều chính sách thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho các công ty, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Đến nay, trên địa bàn thị xã có 988 doanh nghiệp đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký là 9.986 tỷ đồng, 579 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tổng số vốn đăng ký là 3.801 triệu USD. Giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng năm 2018 ước đạt 21.800 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2017.Thương mại, dịch vụ phát triển mạnh mẽ, ước đạt 8.780 tỷ đồng trong năm, tăng 18,2% so với năm 2017. Hoạt động thương mại – dịch vụ diễn ra với nhiều chủng loại hàng hoá và nhiều thành phần kinh tế tham gia, trong đó khu vực kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng ngày càng cao. Nông, lâm ngư nghiệp giảm tỷ trọng cơ cấu kinh tế nhưng tăng về giá trị sản xuất, đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ và ứng dụng các mô hình sản xuất hiệu quả trong nông nghiệp; triển khai hiệu quả nhiều dự án khoa học công nghệ, nông nghiệp kỹ thuật cao trên địa bàn thị xã như: ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xất cây bạc hà và bí đỏ hạt đậu đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Thạnh Hội; bình tuyển, công nhận và xây dựng vườn cây đầu dòng bưởi đường da láng và bưởi ổi ở xã Bạch Đằng; xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm Rau Thạnh Hội… Kinh tế tập thể có sự khởi sắc với 20 hợp tác xã, 23 tổ hợp tác hoạt động trên nhiều lĩnh vực, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế và ổn định an sinh xã hội. Thu nhập bình quân đầu người của thị xã Tân Uyên năm 2018 theo GRDP đạt 120 triệu đồng/người/năm.

Đổi thay sau 5 năm trở thành thị xã của vùng đất Tân Uyên còn là những công trình mới khang trang, phục vụ cuộc sống nhân dân. Với quyết tâm xây dựng đô thị văn minh, thị xã đã tập trung huy động mọi nguồn lực xây dựng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị. Hệ thống giao thông được quan tâm đầu tư, nâng cấp, từ những tuyến đường huyết mạch đến đường ngõ, hẻm; trường học, bệnh viện được xây dựng góp phần chăm lo tốt cho nhân dân. Những công trình tiêu biểu như: nâng cấp, mở rộng đường ĐT 746, ĐT 747B, các công viên, hoa viên tại các xã, phường, tuyến phố đi bộ, bờ kè phường Uyên Hưng, Bệnh viện đa khoa thị xã Tân Uyên quy mô 200 giường, định hướng 400 giường, Trường THCS Phú Chánh, Tiểu học Uyên Hưng B… đã làm nên dáng hình tươi đẹp của thị xã Tân Uyên hôm nay. Mạng lưới y tế từ thị xã đến cấp phường, xã được xây dựng, đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị theo hướng hiện đại, đội ngũ y, bác sỹ có trình độ, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh nhân dân. Hệ thống trường lớp ngày càng hoàn thiện, đồng thời nâng cao về chất lượng. Quy hoạch đầu tư xây dựng trường lớp tại thị xã Tân Uyên rất được chú trọng, hệ thống trường, lớp và cơ sở vật chất của từng bậc học tiếp tục phát triển đều khắp với các loại hình trường, từng bước đáp ứng được nhu cầu học tập và yêu cầu đổi mới công tác giáo dục.

Trên đường hội nhập và phát triển, thị xã Tân Uyên không lãng quên những giá trị văn hoá truyền thống. 10 di tích trên địa bàn thị xã thường xuyên được trùng tu, tôn tạo, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, về nguồn. Lễ hội Hương Bưởi Bạch Đằng qua 2 lần tổ chức thành công với nhiều hoạt động đậm đà bản sắc địa phương đã thu hút hàng chục ngàn lượt khách du lịch. Các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao thường xuyên được tổ chức từ thị xã đến các xã, phường; hệ thống công trình văn hoá như thư viện, nhà truyền thống, nhà thiếu nhi, sân vận động…đã tạo điều kiện cho nhân dân mọi tầng lớp, lứa tuổi có sân chơi lành mạnh, bổ ích ư. Năm 2017, thị xã Tân Uyên đã tổ chức thành công Đại hội Thể dục thể thao làm điểm cấp tỉnh.

6 xã nông thôn mới cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng trên đường phát triển. Hai xã cù lao là Bạch Đằng và Thạnh Hội phát triển theo hướng đô thị xanh, không thu hút công nghiệp để giữ lại mảng xanh, là lá phổi cho toàn thị xã. Cuộc thi đua “Xây dựng hộ nông thôn mới xanh, sạch, đẹp, sáng” đã khơi dậy sức dân trong việc nâng chất nông thôn mới tại 2 xã cù lao. Bên cạnh đó, 4 xã Vĩnh Tân, Hội Nghĩa, Phú Chánh và Tân Vĩnh Hiệp được định hướng phát triển thành phường. Đề án thành lập 4 phường đã được các đại biểu thống nhất thông qua tại Kỳ họp HĐND thị xã lần thứ 11, nhiệm kỳ 2016-2021. Đây là 4 xã có vị trí chiến lược quan trọng trong tổng thể phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của thị xã, có cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp, dịch vụ-thương mại, tốc độ đô thị hóa cao; có trình độ phát triển kinh tế-xã hội, hạ tầng đô thị, quy mô dân số và diện tích tự nhiên đáp ứng quy định về tiêu chuẩn cho việc nâng cấp từ xã lên phường. Việc thành lập 4 phường Vĩnh Tân, Hội Nghĩa, Phú Chánh và Tân Vĩnh Hiệp thuộc thị xã Tân Uyên là phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính, các định hướng quy hoạch, chương trình phát triển đô thị, góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của thị xã, phát huy tiềm năng, lợi thế nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Sau 5 năm trở thành thị xã, dân số tại thị xã Tân Uyên đã tăng lên 366.608 người. Do đó, các chính sách an sinh xã hội luôn được chú trọng thực hiện. Chào đón đông đảo người dân địa phương đến sinh sống và làm việc, trên địa bàn thị xã đã hình thành nhiều khu nhà ở công nhân với đầy đủ tiện nghi, giúp người lao động an tâm an cư lạc nghiệp. Người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân địa phương. Các hoạt động từ thiện, nhân đạo diễn ra rộng khắp, mang yêu thương đến những người có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2018, UBND thị xã đã kêu gọi các doanh nghiệp chung tay hỗ trợ cho gần 20 trẻ em bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ngày càng đi sâu vào nhận thức của nhân dân, 96,12% hộ dân đạt danh hiệu Gia đình văn hoá. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững.

Phát huy những kết quả đạt được, thị xã Tân Uyên sẽ tiếp tục phấn đấu thưc hiện tốt các nhiệm vụ xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Thị xã sẽ thu hút, bố trí các dự án đầu tư phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp, đô thị của địa phương và quy định của tỉnh; triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên, khoáng sản, xây dựng, trật tự đô thị; đẩy nhanh tiến độ lập thủ tục đầu tư, thi công các công trình trọng điểm; thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội; vận động nhân dân chung sức thực hiện thắng lợi các phong trào thi đua yêu nước. Theo ông Đoàn Hồng Tươi – Phó Bí thư Thị uỷ, Chủ tịch UBND thị xã Tân Uyên, định hướng phát triển kinh tế – xã hội địa phương trong giai đoạn tới sẽ chuyển đổi từ công nghiệp – dịch vụ – đô thị thành dịch vụ – công nghiệp – đô thị; đô thị Tân Uyên là đô thị nén, đô thị thông minh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0901.26.26.26