Trước viễn cảnh dịch Covid-19 có thể để lại hậu quả lâu dài, ảnh hưởng đến các quyết định tương lai của doanh nghiệp, Công ty Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam đã gợi ý bốn giải pháp cho các doanh nghiệp bất động sản trong từng giai đoạn.
Doanh nghiệp cần thành lập một nhóm phản ứng khẩn cấp và tìm ra giải pháp duy trì hoạt động kinh doanh
Đầu tiên, trong giai đoạn từ 1-2 tuần kể từ thời điểm này, các doanh nghiệp cần thành lập một nhóm phản ứng khẩn cấp và tìm ra giải pháp duy trì hoạt động kinh doanh, liên tục phân tích dữ liệu, nghiên cứu các rủi ro ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Đồng thời doanh nghiệp cần chuẩn bị tài liệu hướng dẫn cho truyền thông, tối giản hóa quy trình đưa ra quyết định nhằm bắt kịp tình hình phức tạp
Nếu cần thiết, doanh nghiệp nên đóng chi nhánh, văn phòng ngay lập tức và triển khai kế hoạch làm việc từ xa. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tăng cường vệ sinh, khử trùng, thiết kế thông thoáng văn phòng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Ở giai đoạn ngắn hạn từ 3 – 4 tuần sau, doanh nghiệp cần theo dõi và đánh giá tình hình liên tục, tăng cường công nghệ hỗ trợ làm việc từ xa, tập trung quản lý vận hành ở các vị trí quan trọng và đảm bảo duy trì nguồn cung, cẩn trọng với lỗ hổng trong chuỗi cung ứng.
Trong giai đoạn trung hạn khéo dài từ 1 – 3 tháng, bên cạnh những hoạt động đã thực hiện từ trước đó, doanh nghiệp cần thận trọng hơn khi đưa ra những quyết định, giảm tương tác với khách hàng.
Với giai đoạn dài hạn từ 3 tháng trở lên, JLL cho rằng phương thức làm việc từ xa sẽ dẫn đến những thay đổi trong văn hóa doanh nghiệp, nhu cầu ứng dụng công nghệ tăng cao giúp phát triển PropTech và MedTech tại nơi làm việc, doanh nghiệp thay đổi nhận thức về tính bền vững trong phát triển.
Đối với thị trường, chuỗi cung ứng được đa dạng hóa, nhu cầu về các sản phẩm bất động sản an toàn, tốt cho sức khoẻ cũng có khả năng tăng lên.
Đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra những thách thức lớn cho ngành bất động sản. Dịch bệnh không chỉ khiến thị trường giảm tốc mà còn buộc các doanh nghiệp bất động sản phải gồng mình để tồn tại.
Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết virus corona đã tác động rõ rệt đến các doanh nghiệp bất động sản. Các sự kiện đông người như quảng bá tiếp thị, bán hàng đều bị hủy bỏ. thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng và thị trường bất động sản cho thuê bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là tình trạng các mặt bằng cho thuê tại khối đế các tòa nhà cao tầng và nhiều mặt bằng nhà phố cho thuê bị nhiều khách thuê trả lại.
Dịch bệnh không chỉ làm tăng chi phí đầu tư, tăng chi phí vốn và lãi vay, kéo theo nguy cơ các khoản nợ bị chuyển thành nợ xấu. Chi phí quản lý doanh nghiệp vì vậy cũng bị tăng cao so với doanh thu và lợi nhuận khiêm tốn ở giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp.
thị trường bất động sản đã phải đương đầu với nhiều khó khăn trong hai năm qua, nay thêm ảnh hưởng của dịch bệnh lại rơi vào tình thế khó chồng khó. Trước nguy cơ phá sản lớn dần, HoREA cho rằng các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản cần nỗ lực gấp đôi gấp ba để cầm cự và vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Ngoài việc đề xuất các giải pháp hỗ trợ về mặt chính sách, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, khuyến cáo các doanh nghiệp bất động sản nên chủ động tái cấu trúc bộ máy và tái cơ cấu sản phẩm để kịp thích ứng và tồn tại khi dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp.
Đối với các tập đoàn lớn có thể lựa chọn phát triển sản xuất, kinh doanh đa ngành để có thể ứng phó hiệu quả với các biến động của thị trường. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để chuyển hướng sử dụng công nghệ thông tin, số hóa, trí tuệ nhân tạo, thực tại ảo, kinh doanh online vào lĩnh vực bất động sản.