Không chỉ khơi thông nguồn vốn trong nước, mà cần khơi thông nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Đó là sáng kiến của ông Lê Thành, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Viện Kinh tế xanh tại buổi tọa đàm “Khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản” do Báo Thanh Niên phối hợp với Viện Kinh tế xanh tổ chức vào sáng 7.6.
Dễ đổ vỡ dây chuyền
Theo ông Lê Thành, bất động sản là một trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, chiếm 14% GDP và có khả năng lan tỏa đến trên 40 ngành nghề quan trọng khác, nhất là những ngành liên quan trực tiếp như: xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, lưu trú – ăn uống, tài chính – ngân hàng… Một số nghiên cứu cho thấy, để đầu tư 1 m2 nhà ở cần 17 nhân công lao động, còn phát triển, vận hành một căn hộ sẽ tạo thêm việc làm cho 0,4 người lao động. Vì thế, phát triển bất động sản không chỉ tạo công ăn việc làm, tạo chốn an cư cho cộng đồng mà còn thúc đẩy sự phát triển chung của cả nền kinh tế.
Tuy vậy, tới tháng 4.2022, trước những lo ngại về sự phát triển nóng của thị trường bất động sản, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá đầu tư kinh doanh bất động sản là một trong các lĩnh vực rủi ro với hoạt động ngân hàng, cần có các giải pháp kiểm soát. Việc thắt chặt trái phiếu và tín dụng bất động sản đã khiến thị trường gặp khó, nguồn cung ngày càng giảm và thiếu so với nhu cầu đang tăng.
Theo thống kê từ Bộ Xây dựng thì tính đến hết quý 1/2022, chỉ có 24 dự án hoàn thành, bằng 47% so với quý 4/2021 và bằng khoảng 54% so với cùng kỳ năm 2021. Số dự án đủ điều kiện mở bán chỉ là 56 dự án, giảm tới 2/3 so với quý 4/2021 – thời điểm trước khi có những biến động về nguồn cung tín dụng cho bất động sản.
Theo ông Lê Thành, cần tháo gỡ chính sách để đón các nhà đầu tư nước ngoàiĐỘC LẬP |
Giá nhà tăng cao, nguồn cung khan hiếm, thị trường đình trệ cộng với những khó khăn chồng chất của bối cảnh hậu Covid-19 đã khiến cho lĩnh vực bất động sản tại TP.HCM – một trong những trung tâm kinh tế năng động nhất cả nước, tăng trưởng âm 12,6%. Trong bối cảnh khó khăn kép như hiện nay, việc kiểm soát dòng vốn chưa được định hướng một cách khoa học, phù hợp với quy luật vận động khách quan của thị trường sẽ không tạo được điều kiện để nguồn lực kinh tế tư nhân phát triển.
Thời điểm vàng đón các nhà đầu tư “khổng lồ”
Trong khi đó, kinh tế thế giới đang trải qua một giai đoạn khó khăn. Nhiều quốc gia chưa kịp ổn định và phục hồi sau đại dịch Covid-19. Tình hình bất ổn chính trị tại nhiều nơi, chiến tranh leo thang, khủng hoảng tiền tệ… đã khiến cho nhu cầu tìm những “bến đỗ” an toàn, bền vững của những nhà đầu tư lớn trở nên cần kíp, mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Có thể nói, đây là thời điểm vàng để Việt Nam tập trung mọi nguồn lực ổn định “sức khỏe” vĩ mô để thu hút dòng vốn đầu tư khổng lồ từ nước ngoài. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần đoàn kết một lòng, cả chính quyền và doanh nghiệp để tận dụng nguồn lực FDI chất lượng, thúc đẩy quá trình tái thiết kinh tế hậu Covid-19.
Cũng theo ông Lê Thành, Viện Kinh tế xanh hiểu rằng các nhà điều hành chính sách chịu áp lực rất lớn vì mỗi quyết định đều tạo ra ảnh hưởng dây chuyền đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau của cả nền kinh tế. Vậy nên, trước mỗi một vấn đề, mỗi quyết sách chúng ta cần phải tiếp cận theo tư duy chuỗi giá trị, phân tích dưới nhiều góc độ.
Việt Nam đang là điểm “vàng” để đón các nhà đầu tư lớn trên thế giớiĐÌNH SƠN |
Để khơi thông nguồn vốn cho bất động sản, không chỉ cần một chính sách thấu đáo, toàn diện nhằm xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch bình đẳng mà chúng ta còn cần đồng lòng nhất trí để phục hồi kinh tế một cách nhanh nhất, mạnh mẽ nhất để trở thành điểm đến vàng của các nhà đầu tư khổng lồ, tầm cỡ thế giới.
Để làm được điều này, đầu tiên nhà nước cần khơi thông nguồn tín dụng bất động sản trong nước để doanh nghiệp nỗ lực, phục hồi “sức khỏe” sau đại dịch. Doanh nghiệp có khỏe thì nền kinh tế mới mạnh, môi trường kinh doanh mới minh bạch, rõ ràng thì mới thu hút được các nhà đầu tư lớn và các nguồn FDI chất lượng.
Cả hai việc đều cần phải làm ngay vì đây là thời điểm vàng để Việt Nam đón “đại bàng vàng” về Việt Nam làm tổ. Hiện nay các nhà đầu tư hàng đầu châu Á như Orix (Nhật Bản), CK Asset (Hồng Kông)… đều đặc biệt ấn tượng với kết quả chống dịch của Việt Nam, sự đồng lòng, quyết tâm tái thiết kinh tế, xã hội mạnh mẽ của chính quyền và doanh nghiệp. Ngoài ra, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển bất động sản nói chung và đặc biệt là bất động sản tinh hoa như: kinh tế phát triển nhanh, thu nhập người dân, là trung tâm kinh tế năng động… Họ mong muốn được tạo điều kiện để đầu tư thật, làm thật những dự án bền vững, xanh, hiện đại, ứng dụng công nghệ xây dựng và vận hành mới nhất.