5/5 - (1 bình chọn)

Việt Nam ngày càng có được nhiều lợi thế từ hội nhập thông qua việc đàm phán, ký kết và thực thi có hiệu quả các FTA

Kể từ khi mở cửa hội nhập đến nay, Việt Nam đã ký kết thành công 18 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Chỉ tính riêng giai đoạn 5 năm vừa qua, Việt Nam đã chủ động đàm phán và ký kết nhiều Hiệp định thương mại với các đối tác lớn, chủ yếu là các FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); hai Hiệp định với Liên minh châu Âu (EU) là Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA); Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Vương Quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA).

Cùng với đó, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP – được ví như một “siêu hiệp định” – bởi sự tham gia của 10 nền kinh tế ASEAN và 5 đối tác có đa dạng các nền kinh tế cả trình độ cao, với quy mô 27.000 tỷ USD, tương ứng khoảng 30% tổng GDP toàn cầu, tạo ra một thị trường lớn nhất thế giới với hơn 2,2 tỷ người tiêu dùng) cũng đã được ký kết vào ngày 15/11/2020.

Việt Nam ngày càng có được nhiều lợi thế từ hội nhập. Ảnh minh họa.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Việt Nam ngày càng có được nhiều lợi thế từ hội nhập. Rõ thấy nhất là thông qua việc đàm phán, ký kết và thực thi có hiệu quả các FTA, Việt Nam đã cải thiện đáng kể việc tiếp cận thị trường xuất khẩu, tạo thêm việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững hơn.

“Việt Nam trong những năm qua có điểm rất lợi về thế trận hội nhập, đó là ký kết được nhiều FTA, nhiều đối tác chiến lược, sản xuất kinh doanh gắn với xu thế chung của thế giới rất tốt, đó là hình thành mạng sản xuất, chuỗi giá trị, thị trường rộng lớn nhất, những nhà đầu tư và kinh doanh tốt nhất. Do đó là điều kiện tốt để Việt Nam tham gia học hỏi, nắm bắt và đây là lợi thế của Việt Nam đã có được” – TS. Võ Trí Thành đánh giá.

Tính đến cuối năm 2020, với 14 Hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực đã cho các kết quả hết sức nổi bật trong hoạt động thương mại quốc tế được định danh bằng những con số thực, đưa Việt Nam từ một nền kinh tế nhập siêu trong suốt nhiều thập niên đã cân bằng được cán cân thương mại, có thặng dư và liên tục xuất siêu trong cả giai đoạn 5 năm 2016-2020.

Trong đó, năm 2019 Việt Nam xác lập tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 500 tỷ USD. Năm 2020 vừa qua tiếp tục ghi nhận kim ngạch xuất nhập khẩu đã vượt qua con số hơn 540 tỷ USD và mức xuất siêu “kỷ lục” với hơn 19 tỷ USD Mỹ. Những con số này đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 22 thế giới về quy mô kim ngạch và năng lực xuất khẩu; đứng thứ 26 về quy mô thương mại quốc tế.

Đây là kết quả rất đáng ghi nhận trong bối cảnh thương mại toàn cầu có nhiều biến động, chính sách “nước lớn”, chủ nghĩa bảo hộ ở một số quốc gia và đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới cũng như Việt Nam.

Còn theo Chuyên gia kinh tế, tài chính Nguyễn Trí Hiếu, hiện nay cả nước đã có một cộng đồng doanh nghiệp với khoảng 800.000 doanh nghiệp lớn, nhỏ, trong đó có hơn 20.000 doanh nghiệp FDI. Việt Nam đã có những doanh nghiệp 100% vốn trong nước được xếp hạng trong khu vực và nhiều thương hiệu sản phẩm, hàng hóa của ta được thế giới từ biết đến đã trở nên yêu thích, tin dùng. Đội ngũ lao động Việt Nam cũng được đào tạo bài bản hơn, được rèn luyện trong môi trường cạnh tranh hội nhập bình đẳng, công bằng và văn minh hơn.

Không chỉ chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển kinh tế đất nước, Việt Nam đã và đang chủ động, tích cực hội nhập quốc tế một cách toàn diện, sâu rộng và có hiệu quả theo đúng chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0901.26.26.26