Tại Diễn đàn Bất động sản Công nghiệp 2022 tổ chức ngày 24/5 vừa qua, đa số các ý kiến đều nhận xét rằng, thị trường bất động sản công nghiệp trong hai năm qua đã có sự chuyển mình đáng kể bất chấp đại dịch.
Nếu như đầu năm 2020 chỉ có 260/335 khu công nghiệp hoạt động với tỷ lệ lấp đầy là 75,7% thì đến năm 2022, đã có có 291/395 khu công nghiệp hoạt động với tỷ lệ lấp đầy là 70,9%. Bên cạnh đó, xu hướng thay đổi của thị trường cũng được thấy rõ hơn qua động thái của những nhà phát triển bất động sản công nghiệp hàng đầu hiện nay như BW.
“Đặc khu” riêng cho thương mại điện tử
Theo ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ KHĐT, một trong những xu hướng được quan tâm là sự phát triển theo “cấp số nhân” của thương mại điện tử. Sự gia tăng đột biến của hình thái giao thương hiện đại này trong thời kỳ đại dịch đã thúc đẩy nhu cầu rất lớn về bất động sản kho bãi, dịch vụ logistics.
Xu hướng này có thể thấy rõ hơn qua bài học chuyển đổi Khu công nghiệp Tân Phú Trung của BW, từ một khu công nghiệp bình thường trở thành trung tâm hậu cần dành cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử.
“Sự tăng trưởng thương mại điện tử đã và sẽ được chuyển thành sự mở rộng mạnh mẽ trong lĩnh vực hậu cần chặng cuối, vốn sẽ đòi hỏi một nguồn cung đáng kể các kho hàng cấp tổ chức. Do đó, xây dựng các trung tâm dành cho thương mại điện tử và bán lẻ tiếp tục là trọng tâm của chúng tôi, nhằm tối đa hóa hiệu ứng thị trường”, ông Lance Li, Tổng Giám đốc BW cho biết.
Sau khi Tân Phú Trung đã lấp đầy công suất, đại diện BW cho biết kỳ vọng khách thuê sẽ tìm kiếm mặt bằng tại Khu công nghiệp Xuyên Á, nơi có vị trí đắc địa khi cách Tân Phú Trung chưa đầy 10km. Ngoài ra, các địa điểm mà các nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử có thể hướng đến còn là Khu Tân Đông Hiệp B và Sóng Thần, nằm trong bán kính 20km đến khu trung tâm sầm uất của TP.HCM, vốn đã có sự hiện diện của nhiều nhà cung cấp dịch vụ Logistics như, Germadept, Lazada Express, 3PL Nhất Tín
Nhà kho xây sẵn cao tầng lên ngôi
Nhà kho xây sẵn cao tầng cũng là một xu hướng khác được đại diện BW cho biết sẽ tăng tốc trong thời gian tới. Theo đó, các cơ sở công nghiệp và Logistics cao tầng sẽ là giải pháp quan trọng, giúp giải quyết tình trạng khan hiếm đất tại các vị trí trung tâm và bài toán giá đất tăng nhanh. Đây cũng là hình thức được nhiều chủ doanh nghiệp lựa chọn vì giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và nhanh chóng đi vào sản xuất.
Đại diện BW cho biết sẽ đặt các kho bãi này tại trung tâm sản xuất hiện hữu và đang được xây dựng của mình, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí và thời gian. Hiện nay, nhà phát triển bất động sản công nghiệp hàng đầu BW cũng có nhiều loại sản phẩm nhà xưởng cao tầng phục vụ cho khách thuê với các ngân sách khác nhau, ở các vị trí như Tân Phú Trung ở TP HCM, Xuyên Á, Vĩnh Lộc ở Long An, BWSCC và Tân Đông Hiệp B ở Bình Dương và Nhơn Trạch ở Đồng Nai.
Kho vận dành cho nhu cầu sản xuất sẽ tăng vọt
Theo ông Lance Li, dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, khiến nhiều nhà máy thiếu nguyên vật liệu để sản xuất, thậm chí lên tới 6-12 tháng tùy lĩnh vực. Do đó, một xu hướng quan trọng trong thời gian tới chính là nhu cầu về kho vận dành cho sản xuất, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về lưu trữ hàng hóa, nguyên liệu đảm bảo ổn định sản xuất.
Ghi nhận trên thị trường cũng cho thấy các tập đoàn đa quốc gia quy mô lớn, đa ngành nghề đã chọn xây dựng cứ điểm sản xuất mới tại Việt Nam. Các nhà sản xuất khổng lồ này còn được gọi là “ong chúa” – Queen Bees, cũng đồng thời kéo theo đó là hàng trăm doanh nghiệp vệ tinh và phụ trợ, từ đó thúc đẩy nhu cầu về không gian lưu trữ nhiều hơn.
“Chúng tôi với tư cách là công ty dẫn đầu thị trường đã suy nghĩ kỹ và đã phát triển mô hình kho bãi này tại các trung tâm sản xuất, chẳng hạn như Mỹ Phước 4 và VSIP 2A là trung tâm của các cụm sản xuất phát triển mạnh của Bình Dương hay Nhơn Trạch là trung tâm các ngành công nghiệp ô tô và điện tử hiện hữu. Sự hiện diện của các Queen Bees hiện tại như Vinfast, LG, Kyocera, Regina Miracle hay Pegatron,… rất thích hợp để đặt kho cho mục đích sản xuất. Chúng tôi kỳ vọng nhu cầu kho bãi trong khu vực này sẽ tăng trong thời gian tới”, ông Lance Li bình luận.
Theo ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ KHĐQT, hiện nay, cả nước có 335 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 100.000 ha đang tiếp tục phát triển mạnh để đáp ứng nhu cầu đầu tư, sản xuất của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
“Các khu công nghiệp đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng bền vững hơn về kinh tế, xã hội và môi trường”, Thứ trưởng Bộ KHĐQT nói.
Thực tế cho thấy các nhà phát triển bất động sản công nghiệp như BW vẫn đang đẩy mạnh đầu tư quỹ đất, đồng thời cung cấp gói giải pháp phù hợp nhằm giúp người thuê nhanh chóng đi vào hoạt động thuận lợi. Với các chiến lược phù hợp, tính đến nay BW vẫn là một trong số đơn vị dẫn đầu thị trường với 35 dự án tại 10 tỉnh công nghiệp trọng điểm, tổng diện tích đất 776 ha, đạt công suất thuê gần 97% đối với các dự án đã đi vào hoạt động.