Bất động sản Bình Dương gia nhập cuộc đua tăng trưởng nhờ tiềm lực dồi dào của địa phương trong việc đẩy mạnh hạ tầng, xây dựng khu trung tâm kinh tế – tài chính – dịch vụ và tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Theo đó, nhiều nhà đầu tư đang tập trung nguồn vốn vào thị trường Bình Dương – trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để đón đầu làn sóng lợi nhuận.
Bình Dương tập trung thu hút vốn FDI
Theo báo cáo từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương, tính lũy kế đến nay Bình Dương đứng thứ 2 cả nước về thu hút FDI với 4.053 dự án, tổng vốn đăng ký đạt hơn 39,55 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng vốn FDI trên địa bàn tỉnh đạt trên 2,5 triệu USD bằng 180% so với cùng kỳ năm 2021.
Bình Dương đứng thứ 2 cả nước về thu hút nguồn vốn FDI.
Cùng với đó, Bình Dương hiện là một trong những địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất nước. Đại diện Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh này cho biết: hiện tại, tỉnh đã thành lập 29 khu công nghiệp, với tổng diện tích quy hoạch trên 12.670 ha. Trong đó, có 27 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, các KCN đã cho thuê đất với tỷ lệ lấp đầy 90%.
Đặc biệt tại Thuận An, trung tâm của thủ phủ công nghiệp với các KCN quy mô lớn, thu hút hàng nghìn nhân công đến làm việc mỗi năm, nhu cầu nhà ở cũng vì thế ngày một tăng cao. Dòng sản phẩm căn hộ cao cấp dành cho giới chuyên gia, quản lý nước ngoài luôn trong tình trạng khan hiếm. Tiềm năng khai thác căn hộ cao cấp cho thuê tại Thuận An được giới đầu tư sành sỏi đưa vào tầm ngắm.
Quốc lộ 13 dẫn lối phát triển hạ tầng, kinh tế cho toàn vùng
Với định hướng lấy cơ sở hạ tầng làm lợi thế hấp dẫn nhà đầu tư, thời gian qua Bình Dương luôn chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế xã hội toàn diện. Tháng 4/2022 vừa qua, dự án mở rộng và cải tạo quốc lộ 13 chính thức được khởi công. Công trình kéo dài từ cổng chào Vĩnh Phú đến điểm giao đường Lê Hồng Phong có quy mô 8 làn xe, lộ giới 64m; tổng mức đầu tư 1.367 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành trước năm 2023.
Dự án mở rộng và cải tạo QL13 chính thức được khởi công vào tháng 4/2022.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết: dự án đầu tư cải tạo, mở rộng Quốc lộ 13 có ý nghĩa quan trọng và tạo ra “bộ khung kỹ thuật” để phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Dự kiến đến năm 2025, tầm nhìn 2030 có đến 17 công trình trên quốc lộ này. Đặc biệt đoạn đi qua TP. Thuận An khi tỉnh đã quy hoạch trục Quốc lộ 13 đoạn từ trung tâm Lái Thiêu tới đường Nguyễn Văn Tiết thành đại lộ kinh tế – tài chính – dịch vụ sầm uất.
“Phát huy thế mạnh về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 sẽ gia tăng không gian phát triển kinh tế – xã hội, phục vụ tốt hơn cho các nhà đầu tư, tạo môi trường phát triển bền vững để xây dựng Bình Dương theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Ngoài Quốc lộ 13, các tuyến giao thông trọng điểm trên địa bàn đang được đồng thời mở rộng, xây dựng đường ĐT 743A và đường ĐT743B với lộ giới 54m. Cao tốc Mỹ Phước – Tân Vạn, đường Vành đai 3 mở rộng lộ giới 50m – 70m góp phần tăng tính liên kết vùng, phát triển giao thương hiệu quả.
Nhận định về lợi thế, tiềm năng phát triển của tỉnh, ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhận định: lợi thế vượt trội của Bình Dương so với các địa phương khác chính là hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu công nghiệp được đẩy mạnh phát triển, tạo nên tính liên kết vùng cao, đáp ứng nhu cầu cung ứng, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.