5/5 - (1 bình chọn)

Bất chấp những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 tới hoạt động sản xuất kinh doanh, số đông doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vẫn làm ăn có lãi tại Việt Nam trong năm qua.

Phần lớn doanh nghiệp Nhật Bản đều có lãi

Kết quả khảo sát về thực trạng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam vừa được Tổ chức Thương mại Nhật Bản tại Hà Nội (JETRO) công bố cho thấy, cũng như các quốc gia/khu vực khác, Việt Nam chịu ảnh hưởng do sự lây lan của dịch COVID-19, với 52,8% doanh nghiệp bị sụt giảm lợi nhuận kinh doanh năm 2020. Mặc dù vậy, 49,6% số doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam kinh doanh có lãi, 20,3% cân bằng.

Đáng chú ý, 46,8% số doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động đầu tư tại Việt Nam được hỏi cho biết sẽ mở rộng đầu tư trong 1 đến 2 năm tới. Tỉ lệ mở rộng đầu tư này dù thấp hơn so với năm trước, nhưng cao thứ 4 trong khu vực Châu Á – Châu Đại Dương.

Quá trình khảo sát được JETRO thực hiện với các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp từ phía Nhật Bản trên 10% và các chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp Nhật Bản) đang đầu tư tại 20 quốc gia/khu vực. Trong năm 2020, các doanh nghiệp được khảo sát quan tâm nhiều đến các vấn đề rủi ro về môi trường đầu tư như hệ thống pháp luật, hệ thống thuế/thủ tục thuế và thủ tục hành chính, nhiều doanh nghiệp mong muốn mở rộng thu mua tại chỗ, dù ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp Nhật Bản. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp quan tâm đến hợp tác với các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư (KHĐT) Trần Duy Đông, do tác động của dịch COVID-19, lợi nhuận, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy, các doanh nghiệp đều kỳ vọng hoạt động kinh doanh sẽ được cải thiện và lợi nhuận sẽ trở lại vào năm 2021. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam phải tiếp tục có những giải pháp linh hoạt, phù hợp để kiểm soát tốt dịch bệnh, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

45% doanh nghiệp FDI có lãi

Mới đây, theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong năm 2019, có 9.494 doanh nghiệp FDI có kết quả sản xuất kinh doanh cả năm báo lãi, chiếm tỉ lệ 45% doanh nghiệp có báo cáo, với trị giá lãi là 518.509 tỉ đồng. Số lượng doanh nghiệp báo lãi năm 2019 tăng 18% so với năm 2018.

Báo cáo cũng cho thấy, tốc độ tăng trưởng doanh thu, tài sản và vốn đầu tư của chủ sở hữu năm 2019 của nhóm doanh nghiệp vẫn duy trì ở mức cao và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp FDI vẫn duy trì tăng trưởng ổn định.

Tuy nhiên, hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian gần đây vẫn bộc lộ một số những tồn tại, hạn chế lớn như việc đầu tư nước ngoài tập trung lớn tại các tỉnh của khu vực Đông Nam Bộ và một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng trong khi lại rất hạn chế tại một số tỉnh miền núi phía Bắc cũng như một số tỉnh Tây Nguyên. Thực tế này cho thấy, các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư của Chính phủ vào địa bàn kinh tế – xã hội khó khăn chưa phát huy hiệu quả trong việc thu hút các dự án đầu tư nước ngoài.

Đáng chú ý, ngoài số doanh nghiệp FDI có lãi vẫn chiếm tỉ lệ thấp, nhiều doanh nghiệp có số lỗ lớn và lỗ liên tục trong nhiều năm. Chưa kể ngoài một số dự án mang lại hiệu quả kinh tế, đóng góp ngân sách cao và tạo ra nhiều việc làm, vẫn còn nhiều dự án đầu tư kém hiệu quả, mức độ đóng góp ngân sách thấp. Đặc biệt theo đánh giá của Bộ Tài chính, hiện tượng chuyển giá, trốn thuế còn diễn ra ở khu vực FDI. Trong đó, nhiều doanh nghiệp luôn báo lỗ, thậm chí lỗ liên tục nhiều năm nhưng vẫn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, doanh thu các năm đều tăng gây thất thoát, thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Theo đó, để tiếp thu hút các dự án FDI hoạt động hiệu quả cao và nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với khu vực này, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KHĐT tiếp tục nghiên cứu, đánh giá thận trọng về chính sách ưu đãi đầu tư theo quy mô dự án đầu tư và theo địa bàn kinh tế – xã hội, đồng thời cần nghiên cứu và đề xuất phương pháp xây dựng chính sách thu hút trong thời gian tới phù hợp. Trong đó, cần tiếp tục rà soát, đánh giá để hoàn thiện, sửa đổi cơ chế phối hợp của các sở, ban, ngành địa phương trong việc cấp phép và quản lý các dự án FDI; hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin đồng bộ, thông suốt về doanh nghiệp FDI để các cơ quan trung ương, địa phương có thể truy cập và kết xuất được tất cả các thông tin liên quan nhằm phục vụ công tác tổng hợp; từ đó giúp công tác đánh giá, giám sát được hiệu quả, kịp thời.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0901.26.26.26