Rate this post

Theo chuyên gia, bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục là “đứa con cưng” của ngành này do nhu cầu tìm điểm đến cho việc di chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc của các nhà đầu tư ngoại gia tăng.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 9 tháng đầu năm 2020, vốn FDI đăng ký đạt 21,2 tỷ USD. Trong đó, riêng dự án đăng ký đầu tư mới có 1.947 dự án với số vốn là 10,36 tỷ USD.

Vốn đầu tư từ Singapore là lớn nhất, đạt 6,76 tỷ USD, chiếm 31,91% tổng vốn FDI đăng ký. Tiếp đến là Hàn Quốc với 3,16 tỷ USD, tương đương 14,94%; và Trung Quốc với 1,87 tỷ USD, tương đương 8,85%.

9 tháng năm 2020, tỉnh Hà Nam thu hút nhiều vốn FDI đăng ký mới nhất với con số là hơn 477 triệu USD, chiếm 10,14% tổng vốn đầu tư FDI. Tiếp theo là Hải Phòng với 438 triệu USD, chiếm 9,31% và tỉnh Bắc Ninh đạt 348 triệu USD, tương đương 7,39%.

Nhận định về FDI những tháng đầu năm, chuyên gia Savills cho biết đã nhận thấy xu hướng quan tâm của nhiều đơn vị đầu tư nước ngoài đang dần dịch chuyển tới các tỉnh, thành phố không phải là các địa phương có bề dày về phát triển các khu công nghiệp.

Ông John Campbell, Quản lý bộ phận bất động sản công nghiệp của Savills Việt Nam nhận định, đây có thể coi là một sự diễn tiến tự nhiên khi các đơn vị đi thuê và nhà đầu tư sản xuất bắt đầu nhìn vào các tỉnh công nghiệp khác, do trên thực tế, diện tích đất trống tại các khu vực chính ở phía Bắc đang dần trở nên khan hiếm.

Bên cạnh việc hưởng lợi từ các nguồn vốn FDI, chuyên gia Savills cũng cho biết, phân khúc bất động sản công nghiệp của Việt Nam cũng đang nhận được nhiều lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, cũng như xu hướng dịch chuyển các nhà máy và vốn đầu từ Trung Quốc về các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Việc đại dịch Covid-19 kéo dài thậm chí được kỳ vọng sẽ là yếu tố đẩy nhanh việc di dời các cơ sở sản xuất của các công ty đa quốc gia ra khỏi Trung Quốc. Đáng chú ý nhất, theo Savills, là Apple Computers, Pegatron và Foxconn đã công bố kế hoạch chuyển đến hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

Ông Troy Griffiths – Phó Tổng giám đốc, Savills Việt Nam – cho biết, mô hình Trung Quốc + 1 có thể ngày càng được các nhà sản xuất theo đuổi, dẫn đến nhu cầu lớn hơn đối với thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam, khi các tập đoàn tìm cách giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa địa điểm sản xuất.

“Bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục là “đứa con cưng” của ngành bất động sản nói chung, với các nhu cầu ngày càng tăng và hoạt động thị trường vốn gia tăng”, vị chuyên gia nhận định.

Chuyên gia của Savills cũng tin tưởng rằng, chiến lược “Trung Quốc +1” chắc chắn sẽ có hiệu quả trong thời gian tới khi nhiều tập đoàn đang tìm cách giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa địa điểm.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0901.26.26.26