Đây là thông tin được KTS.Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam đưa ra trong cuộc trò chuyện riêng với DĐDN về các giải pháp phát triển nhà ở xã hội.
Việc mua bán nhà ở xã hội còn nhiều vướng mắc gây khó cho người mua lẫn doanh nghiệp
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng, cả nước hiện có 1.040 dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp. Trong đó, có 248 dự án đã hoàn thành cung cấp 103.500 căn với hơn 5 triệu m2 sàn; 264 dự án với khoảng hơn 200 nghìn căn hộ đang được triển khai.
Doanh nghiệp không mặn mà
Với tổng diện tích hơn 5.175.000m2 nhà ở xã hội đã xây dựng xong, cả nước mới chỉ đạt được khoảng 41,4% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020.
Theo ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, việc triển khai nhà ở xã hội đang có nhiều tồn tại bất cập, trong đó nguyên nhân do một số quy định đang còn vướng mắc cũng như nguồn vốn tín dụng cho vay chưa đáp ứng được nhu cầu.
Theo đó, về đối tượng chính sách xã hội đại diện Bộ Xây dựng cho rằng nhóm đối tượng được quy định hưởng chính sách xã hội được thuê, thuê mua nhà ở xã hội đang quá rộng dẫn đến ngân sách nhà nước không cân đối được.
Cụ thể, theo Luật Nhà ở và Nghị định 100/2015/NĐ-CP, ngân sách nhà nước hiện đang vừa phải cấp 50% vốn vay cho Ngân hàng Chính sách xã hội, đồng thời lại phải cấp bù lãi suất khiến nguồn vốn hiện nay chỉ mới phân bổ được 1/9 nhu cầu của giai đoạn 2016-2020.
Đồng quan điểm, theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), hồ sơ mua bán nhà ở xã hội hiện nay đối với người mua nhà, theo điểm b khoản 1 Điều 22 Nghị định 100/2015/NĐ-CP, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp khi mua nhà ở xã hội phải có Giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi đang làm việc về đối tượng và thực trạng nhà ở. Tuy nhiên, thực tế người mua nhà gặp nhiều khó khăn khi xin xác nhận nội dung này vì cơ quan, tổ chức nơi người mua nhà đang làm việc không thể nắm được và/hoặc không muốn xác nhận về thực trạng nhà ở của nhân viên.
Ngoài ra, ông Nam cũng cho rằng về thủ tục mua bán nhà ở xã hội đang mất quá nhiều thời gian chờ đợi, mỗi đợt mở bán, CĐT phải mất tối thiểu 60 ngày làm việc chỉ để tiếp nhận hồ sơ mua, gây ảnh hưởng tới số đợt mở bán trong năm cũng như hiệu quả kinh doanh của dự án.
Một điểm đáng lưu ý nữa là các doanh nghiệp dường như không mặn mà với nhà ở xã hội. Bởi lẽ theo quy định, các dự án nhà ở thương mại đô thị loại 3 trở lên bắt buộc dành 20% diện tích đất cho nhà ở xã hội. Tuy nhiên, thực tế là các chủ đầu tư đang lựa chọn hình thức nộp tiền thay vì bố trí quỹ đất.
Bài học từ nước ngoài
Dễ thấy một thực tế đáng buồn là thời gian qua nguồn cung nhà ở xã hội không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân có thu nhập thấp, thế nhưng trên địa bàn các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM lại xuất hiện không ít dự án nhà ở xã hội bị đắp chiếu, bỏ hoang suốt nhiều năm. Theo ông Nguyễn Trọng Ninh, hầu hết 264 dự án nhà ở xã hội đang đầu tư xây dựng bị chậm tiến độ.
Không những vậy, sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng kết thúc, hàng loạt dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội đồng loạt tăng giá lên trên 15 triệu đồng/m2, thậm chí một dự án tại quận Nam Từ Liêm có giá lên tới 19,5 triệu đồng/m2, khiến cơ hội sở hữu nhà ở của người nghèo càng khó hơn.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, KTS.Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, nhà ở xã hội là điều thiết yếu trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, tuy nhiên ở một số nước họ đã bỏ mô hình nhà ở xã hội và thay thế vào một mô hình khác mang tính hiệu quả cao hơn.
Đơn cử tại Thụy Điển, họ lấy mục tiêu để người nghèo ở với người giàu, để người nghèo có mục tiêu phấn đấu vươn lên và chính người nghèo cung cấp nguồn lực cho người giàu. Họ không bố trí quỹ đất riêng cho nhà ở xã hội mà bố trí số lượng căn hộ tiêu chuẩn, đan xen vào trong từng tầng của dự án nhà ở thương mại.
“Việc bố trí quỹ đất 20% tạo ra nhà này cho người giàu, nhà kia cho người nghèo tạo nên phân biệt giai cấp. Trong khi đó, trong mỗi tòa nhà có căn hộ nhỏ dành cho người thu nhập thấp với các ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước sẽ giúp giảm dần khoảng cách và để người nghèo có động lực vươn lên”, KTS.Phạm Thanh Tùng khẳng định.
Đồng quan điểm, một số chuyên gia cũng cho rằng để nhà ở xã hội đi đúng hướng cần những tầm nhìn dài hạn hơn và những thay đổi để tạo động lực phát triển cho người có thu nhập thấp.
Bên cạnh đó, để chính sách đến đúng đối tượng mua nhà cần công khai, minh bạch thông tin, nhất là trong khâu xét duyệt dự án phải có sự giám sát đa chiều. Các thông tin về quy mô, địa điểm của dự án cũng như thời gian, đối tượng, quy trình xét duyệt cũng cần phải công khai hết mức có thể.