Những tháng đầu năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn đồng hành, chọn tỉnh Bình Dương là địa điểm đầu tư. Cuối tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh Bình Dương đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp FDI với tổng số vốn hơn 974 triệu USD.
Nhiều năm gần đây, Bình Dương là điểm đến hàng đầu của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Dấu ấn nổi bật trong thu hút đầu tư 5 năm qua là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, nhờ vào những chính sách mang tính chất “trải thảm đỏ thu hút đầu tư” tạo nên một ấn tượng sâu sắc khi các nhà đầu tư đến Bình Dương. Tỉnh cũng đã xây dựng chính sách “chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, tạo nên một cơ chế thông thoáng nhằm tiếp tục cam kết đồng hành cùng các nhà đầu tư, đồng thời, mong muốn doanh nghiệp đồng hành cùng chính quyền tỉnh trong việc tìm ra những giải pháp cụ thể, khắc phục các vướng mắc, khó khăn, nhằm giải quyết từng vấn đề cấp bách và lâu dài để phát triển kinh tế, xã hội.
Những tháng đầu năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn đồng hành, chọn tỉnh Bình Dương là địa điểm đầu tư. Cuối tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh Bình Dương đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp FDI với tổng số vốn hơn 974 triệu USD.
Lũy kế từ đầu năm 2021 đến nay, toàn tỉnh thu hút được gần 1,3 tỷ USD vốn FDI, đạt 159% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, 27 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, bằng 52% so với cùng kỳ. Các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như: Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản…
Trao đổi tại “Hội nghị xúc tiến đầu tư Bình Dương 2021”, các chuyên gia cho biết thế mạnh của tỉnh Bình Dương trong việc cạnh tranh thu hút đầu tư FDI bao gồm: (i) Kết nối giao thương: tập trung phát triển kết cấu giao thông đồng bộ, kết nối nội ô và các vùng lân cận; (ii) Vị trí địa lý giáp ranh với Tp.HCM, Đồng Nai, thích hợp phát triển các khu công nghiệp, thu hút FDI mạnh mẽ; (iii) về cơ sở hạ tầng, thành phố Thông minh Bình Dương cũng đã được vinh danh trong top 7 cộng đồng có chiến lược phát triển Thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới năm 2021 (ICF); và (iv) quy hoạch đồng bộ đô thị và phát triển hạ tầng.
Về định hướng phát triển đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GRDP toàn tỉnh.
Đại diện Sở Công thương tỉnh Bình Dương cho biết trong thời gian qua, tỉnh không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường hỗ trợ cho sự phát triển doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh thông qua việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế – xã hội.
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương cũng định hướng xây dựng Thành phố thông minh, Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương trong thời gian tới. Trong đó, hạ tầng viễn thông liên tục được các doanh nghiệp viễn thông đầu tư, phát triển theo hướng hiện đại. Mạng cáp quang phủ đến cấp xã; sóng thông tin di động phủ 100% địa bàn, hạ tầng thông tin di động 3G, 4G đã phủ khắp các khu đô thị và khu công nghiệp với hơn 2.500 trạm thu phát sóng di động, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ với chất lượng ngày càng cao. Công tác đảm bảo an toàn thông tin trong các cơ quan, đơn vị tiếp tục được duy trì ổn định trên mô hình đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống thông tin 4 lớp; triển khai Trung tâm Giám sát An toàn thông tin (SOC – Security Operations Center) dưới hình thức thử nghiệm (POC – Proof of Concept). Cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung được quản lý tập trung thuận lợi cho việc kết nối trục của tỉnh (LGSP – Local Government Service Platform) với trục quốc gia (NGSP – National Government Service Platform).
Về định hướng phát triển đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GRDP toàn tỉnh, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%. Đặc biệt, 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiến hành hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm mạng xã hội có chức năng giao dịch thương mại điện tử; và tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt trong dịch vụ thương mại điện tử đạt từ 50% trở lên.
Mục tiêu cho năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GRDP; Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; Năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%. Tỉnh cũng kỳ vọng phổ cập dịch vụ mạng di động 5G, với tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%.